Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Thư kính thăm thầy Trần Ba

Ban biên tập xin giới thiệu lá thư tình nghĩa của ông Phạm Doanh Môn gởi cho thầy Trần Ba.

Phạm Doanh Môn là cựu học sinh Trung học Kiến Tường. Ông tốt nghiệp ban Tóan sau thầy Sửu và thầy Phét 1 lớp. Ông là cựu giáo sư Toán trung học Long Thành và hiện làm thuế vụ cho chính phủ Úc đại lơi .

Muốn sang thì bắt cầu kiều
Muốn cho hay chữ phải yêu kính thầy
(Ca dao)

Canberra 30-5-2010

Thưa thầy,


Cách đây vài tháng khi lướt trên Internet, em vô tình gặp được trang Đại học Sư phạm Saigon và tìm được vài hình ảnh sinh hoạt của trường Trung học Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy trước 1975, trong đó có vài tấm hình thầy chụp chung với quý thầy cô trường này.


Em nhận ra thầy ngay vì hình chụp của thầy lúc đó còn trẻ như hồi thầy ở Kiến Tường. Em mừng quá vội viết e-mail cho người phụ trách trang Web và một tuần sau nhận được e-mail của thầy Lâm Tấn Phát, một cựu giáo sư trường Đất Đỏ gửi cho em trong đó có ghi địa chỉ và số điện thoại của thầy.


Cuối tuần em gọi điên thoại thưa chuyên cùng thầỵ. Vừa nghe em xưng tên Môn, thầy đã nói ngay: “Phải Phạm Doanh Môn không?” Em hơi sững sờ: “Thưa thầy khỏe không ạ! Sao thầy còn nhớ cả họ tên của em?” Thầy cười: “Hôm trước nghe thầy Phát nói về em và thầy nhớ, tên Doanh Môn hơi lạ và thầy chưa gặp người nào trùng cả họ, chữ lót, tên như em. Tên thầy thì có nhiều người trùng lắm!”

Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua cuốn đi bao nhiêu kỷ niệm, mỗi khi có thời gìờ ngồi nghĩ lại đều cảm thấy bùi ngùi, luyến tiếc nhưng đời là thế - C’ est la vie! – như thầy vẫn nói với chúng em ngày xưa thầy ạ!

Vâng, thưa thầy cũng đã 42 năm kể từ ngày thầy thôi làm hiệu trưởng THKT để về quê thầy, làm hiệu trưởng TH Đất Đỏ năm 1968 và mặc dù năm nay thầy đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng thầy vẫn còn nhớ rất nhìều về ngôi trường tỉnh lẻ này.

Qua khoảng 30 phút thưa chuyện cùng thầy, em được biết thầy qua Mỹ đinh cư năm 1997. Giọng nói thầy vẫn linh hoạt như ngày xưa và thầy vẫn còn khỏe. Có những điều mà em quên nhưng thầy vẫn còn nhớ! Biết được điều này em vô cùng mừng rỡ đó thầy ạ!

Em giới thiệu thầy trang THKT, thầy thích lắm và nói sẽ sang nhà con thầy để xem vì nhà thầy không có Internet. Thầy hỏi thăm về thầy cô và bạn học lớp em. Thầy nhớ thầy Trang tuy trẻ nhưng đạo mạo như một triết gia, thầy Kỳ dáng dấp thư sinh, thầy Tính thích hòa đồng và thích đi chơi với học sinh, cô Nhung thì hơi nghiêm nghị, thầy Liên thích đánh chắn... Còn về học sinh lớp em thì THĐ học rất giỏi và có anh hoạt động cách mạng, MTH nghiêm nghị như ông cụ, TVH là trưởng lớp, to con nhưng hiền, VLT, LTR, TTTN … học rất giỏi môn Pháp Văn, đặc biệt TTTN nói tiếng Pháp rất chuẩn và hát nhạc Pháp như học sinh trường Tây vậy! Còn em thì thầy nói phát âm hơi “cứng” và cũng hơi nghịch…

Em thán phục trí nhớ của thầy quá!

Nhớ lại ngày xưa, em được thầy hướng dẫn môn Pháp Văn lớp đệ thất (lớp 6) và lớp đệ tứ (lớp 9). Giờ học của thầy rất linh động, thầy luôn mang theo những tranh ảnh đẹp, nhiều màu sắc nói về nước Pháp làm nền cho những bài giảng. Thầy kiên nhẫn luyện giọng cho từng học sinh một. Riêng em thường không phát âm đúng hai mẫu tự “U” và “Q” nên thưòng được thầy chiếu cố gọi phát âm lại nhiều lần, đôi khi thầy gặp em ở văn phòng thầy cũng bắt em phát âm “U” và “Q” nữa. Những lúc dư giờ, thầy lại nói  thêm về chuyện ngụ ngôn La Fontaine để hướng dẫn những điều hơn, lẽ thiệt ở đời cho chúng em

Cũng có một vài chuyện vui vui khi học giờ Pháp Văn: mấy phân môn của giờ Pháp Văn đều được chúng em phiên dịch ra tiếng Việt như ”vocabulaire” là “giỏ cá bự lại rẻ”, “thème” là “thèm me”, “traduction” là “gà rút xương” … Thầy rất chú trọng về analyse logique và grammaticale, nhờ đó chúng em rất vững về văn phạm nên khi học sinh ngữ 2 Anh Văn thì chúng em cảm thấy rất dễ hiểu grammar của môn này.

Em vẫn còn nhớ câu danh ngôn “Nul ne peut se vanter de se passer des autres” tạm dịch là “ Không ai có thể tự hào là mình không cần đến người khác” mà thầy hay nói để nhắc nhở chúng em về tính khiêm tốn mà mọi người cần có.

Cũng như thầy Cao Thành Phát, thầy đã giảng nghĩa để chúng em phân biệt rõ ràng  danh từ “professeur”. Thầy giải thích, chữ professeur bình thường cùng nghĩa với chữ enseignant, maitre là chỉ người dạy môn học nào đó như professeur d’ anglais, professeur de musique … và như thầy đây thì gọi là Monsieur Trần Ba, professeur du lycee Kiến Tường chứ không phải Professeur Trần Ba và thầy nói sao bây giờ chữ giáo sư bị lợi dung quá, ngay cả thầy bói cũng gọi là “giáo sư tử vi!”. Sư thực ngay lúc đó, em cũng không hiểu rõ điều thầy rõ lắm, nhưng sau này thì em hiểu rạch ròi hơn.

Ngày trước, với cương vị hiệu trưởng, thầy có công trong việc mở rông và đưa trường THKT vào nề nếp thì khi về trông coi trường TH Đất Đỏ đã có lúc thầy đã phải xây dựng lại ngôi trường này từ trong hoang tàn đổ nát do chiến tranh tàn phá. Vâng, thầy luôn luôn là một nhà giáo hoạt động tích cực nhất mà em được biết.  

Thôi thư đã dàị. Xin phép thầy cho em được dừng bút nơi đây. Kính chúc thầy và quý quyến vạn sự tốt lành. Xin thầy cố gắng giữ sức khỏe. Hy vọng một ngày nào đó chúng em được gặp thầỵ

Kính chào thầỵ

Học trò của thầy

PHẠM DOANH MÔN